Sự thành công của mỳ tôm thanh long Caty và chiến lược quảng cáo low-fi

Chi tiết bài viết.

  • 0
  • 1091

Nhiều người cho rằng sự thành công của mỳ Caty là do ra mắt “đúng thời điểm” khi bắt trúng một yếu tố nào đó của thị hiếu đám đông, cũng có ý kiến khác cho rằng nhà sản xuất đã “gặp may.”

Gian hàng của CatyFood trên Shopee chứng kiến sự bùng nổ đơn hàng trong những ngày qua. (Nguồn: Vietnam+)
Gian hàng của CatyFood trên Shopee chứng kiến sự bùng nổ đơn hàng trong những ngày qua. (Nguồn: Vietnam+)

Sự thành công bất ngờ của đoạn quảng cáo đơn giản với lời bài hát hết sức “thật thà” của mỳ tôm thanh long Caty những ngày qua vẫn là chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội.

Đi từ ám ảnh đến thích thú, trend “lần đầu tiên quả thanh long” đã thống trị mạng xã hội với đủ mọi biến tấu.

Nhưng vì sao quảng cáo này lại được quan tâm đến thế? Nhiều người cho rằng do ra mắt “đúng thời điểm” khi bắt trúng một yếu tố nào đó của thị hiếu đám đông, cũng có những người cho rằng nhà sản xuất đã “gặp may” chứ không lường được mức độ thành công đến thế. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều ý kiến chỉ trích nhà sản xuất đã cố tình “tạo chiêu trò” để lôi kéo sự chú ý của người xem.


Chiến lược quảng cáo không mới

Trên thực tế, mỳ tôm thanh long đã áp dụng một hình thức quảng cáo được gọi là Low-fidelity marketing (hay còn được gọi là low-fi marketing).

Đây là là một thuật ngữ được dùng để miêu tả một chiến lược marketing tập trung vào việc tạo ra các hình ảnh, video hoặc văn bản có chất lượng không hoàn hảo, hay thậm chí là chất lượng thấp.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Sau video quảng cáo gây viral trên mạng xã hội, gian hàng Shopee của thương hiệu Mì gói Thanh long Caty tăng doanh thu gấp 612 lần, đạt 53 triệu đồng, tương đương hơn 4.800 gói mì.

Không nhất thiết phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng, các video này hoàn toàn có thể được tạo nên từ những thiết bị thông thường như điện thoại di động, máy ảnh du lịch. Những quảng cáo này cũng có nội dung gần gũi với đời sống hơn là câu chuyện về những nhân vật vừa có nhan sắc vừa có thành công trong các quảng cáo thông thường.

Low-fi marketing không hề mới ở Việt Nam. Không tính đến những quảng cáo đơn giản trong thời kỳ công nghệ vẫn còn hạn chế, những năm gần đây các thương hiệu lớn của thế giới vẫn thường cho ra mắt những chiến dịch quảng cáo tương tự.

my-thanh-long-caty-227.jpg
Mỳ tôm thanh long gợi nhiều cảm hứng cho các nhà sáng tạo.


Cách đây hơn chục năm, tại Việt Nam, một thương hiệu xà phòng giặt đã sử dụng hình ảnh những phụ nữ nội trợ giản dị trong trang phục hằng ngày chia sẻ công dụng của sản phẩm với những lời quảng cáo hết sức đời thường: “nó sạch, và cái áo của em nó không có bị phai.” Vài năm sau đó, một nhãn hiệu bột giặt khác chọn hình thức gây “sốc” hơn với người xem khi cho một nhân vật nữ đanh đá, chua ngoa đến cãi nhau tay đôi với nhiều người vì họ không chịu dùng đúng sản phẩm.

Mục đích chính của loại hình quảng cáo này là tạo cảm giác gần gũi, chia sẻ, khiến người mua tin tưởng vào chất lượng thật sự của sản phẩm, thay vì những quảng cáo hào nhoáng đế mức siêu thực.

Dove đã từng sử dụng làn da không hoàn hảo của những phụ nữ bình thường trong chiến dịch quảng cáo xà phòng tắm để tôn vinh vẻ đẹp thực sự chứ không phải vẻ đẹp đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng trong các video quảng cáo mỹ phẩm thông thường.

Hay những quảng cáo của Thái Lan luôn được cộng đồng mạng thích thú đón nhận bởi nó thường diễn ra trong những bối cảnh rất bình thường của cuộc sống, với những con người rất bình thường bạn có thể gặp bất cứ đâu, nhưng lại đột ngột rẽ ngoặt ở một cái kết bất ngờ.

Sự thay đổi xu thế này thực chất là một sự dịch chuyển tất yếu trong thị hiếu của người tiêu dùng. Ban đầu, khi ngành quảng cáo còn sơ khai với những thông điệp đơn giản, thì việc xuất hiện các video chau chuốt đến từng góc máy, với những nhân vật, bối cảnh tuyệt đẹp sẽ lập tức gây chú ý đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi yếu tố mới lạ đã qua đi, khi những hình ảnh quảng cáo hoàn hảo ngập tràn khắp nơi trong cuộc sống, thì người xem lại đòi hỏi một yếu tố mới lạ khác, và đó là lúc hình thức quảng cáo low-fi có chỗ đứng.

Nhưng nội dung đơn giản không có nghĩa là kịch bản chất lượng thấp. Những quảng cáo low-fi của thời nay, dù có thể hết sức đơn giản, đời thường, nhưng vẫn khác hẳn những quảng cáo của nhiều năm trước ở sự tinh tế trong các góc quay, góc chụp, cũng như sự chọn lọc trong ngôn ngữ, đối tượng, tình huống.

Trên thực tế, hình thức quảng cáo này đòi hỏi nhiều công sức hơn cả những quảng cáo bình thường, để vừa gây ấn tượng với khách hàng, vừa khiến người xem cảm thấy rất tự nhiên.

Sự khác biệt của mỳ tôm thanh long Caty

Mục đích chính của quảng cáo là giới thiệu sản phẩm. Những sản phẩm càng mới lạ, càng độc đáo sẽ càng dễ dàng thu hút được sự chú ý của dư luận. Mỳ tôm thanh long Caty thực chất đã có lợi thế là sự độc đáo ngay ở tên sản phẩm, nên có thể dễ dàng lôi kéo sự chú ý của người tiêu dùng dù ở bất cứ hình thức quảng cáo nào.


mi-thanh-long-caty-4641.jpg
Mỳ thanh long Caty phủ sóng mạng xã hội. (Nguồn: Vietnam+)


Quảng cáo mỳ thanh long Caty bao hàm hết hai yếu tố cơ bản của một video quảng cáo low-fi là đơn giản và hài hước. Hình ảnh trong video quảng cáo rất đơn giản, thậm chí là nhạt nhẽo với vài người mặc bộ mascot hình quả thanh long cách điệu, nhún nhảy trên một giai điệu mà thoạt nghe sẽ thấy “khá buồn cười” vì hết sức thật thà, thậm chí có phần hơi kỳ quặc: “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mỳ tôm. Lần đầu tiên mỳ thanh long mang theo lời nhắn.”

Bản nhạc này từng được đánh giá là “ám ảnh nhất mạng xã hội” trong suốt những ngày vừa qua. Sự ám ảnh của “quả thanh long” khiến người ta nhớ đến nhớ đến câu hát “Bạn muốn mua tivi” đã khiến thương hiệu Điện máy xanh trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.

Nhưng nếu Điện máy xanh gây ấn tượng bằng hiệu ứng về thị giác, thì với mỳ tôm thanh long, đó là sự kết hợp kỳ lạ của “trái thanh long có trong mỳ tôm.”

Nội dung truyền tải này thực sự gây tò mò, khiến người nghe phải dừng lại để tìm hiểu thanh long và mỳ tôm đã kết hợp với nhau thế nào, và cũng gợi cảm hứng cho vô vàn bản biến tấu cùng vô vàn các cách thức kết hợp kỳ quặc khác, càng khiến hiệu ứng của mỳ tôm thanh long Caty lan xa.

Sự ám ảnh mạnh đến mức người dùng mạng xã hội từng phải thốt lên “Thôi được rồi, để tôi mua, mệt quá.”

Bên cạnh đó, nếu so sánh với những hình ảnh quảng cáo thuộc diện “đơn giản, chia sẻ, gần gũi” khác ở Việt Nam, cách truyền tải của Caty lại tương đối khác biệt. Không có những góc quay đẹp được căn chỉnh cẩn thận, thậm chí còn không sử dụng bất kỳ hiệu ứng nào, mỳ tôm thanh long Caty gây ấn tượng với phiên bản đơn giản đến “hết mức có thể,” giống hệt những quảng cáo có phần ngây ngô của Việt Nam từ hàng chục năm trước, đặc biệt với hình ảnh bức ảnh gói mỳ “2D phẳng lỳ” chạy ngang màn hình.

Đây được coi là một quảng cáo “siêu tiết kiệm chi phí” nhưng lại rất độc đáo giữa những rừng hình ảnh đẹp được chau truốt kỹ chỉ để “tạo cảm giác tự nhiên” như hiện nay, là một thành công lớn về mặt chiến lược marketing.

Sự thành công của mỳ tôm thanh long Caty đã được báo chí và mạng xã hội nhắc đến trong suốt thời gian qua, với sự bùng nổ doanh số bán hàng trên Shopee.

Trend 'mì tôm thanh long' xâm chiếm thế giới hoạt hình
Bài sau Trend 'mì tôm thanh long' xâm chiếm thế giới hoạt hình
Mì tôm thanh long - Xu hướng nhất thời hay nhu cầu thiết yếu?
Bài trước Trend 'mì tôm thanh long' xâm chiếm thế giới hoạt hình
image